16/05/2024 20:17 GMT+7

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Pháp không quy hoạch rồi làm các đô thị cách nhau 60km

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng người Pháp đến đô hộ khi Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành những trấn với các khu dân cư, họ chỉ đặt nền hành chính tại đây, không quy hoạch rồi làm các đô thị cách nhau 60km.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Ảnh: CHÍ QUỐC

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng tải chia sẻ của PGS.TS Lê Anh Tuấn (giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ) về việc vì sao các đô thị ở miền Tây thường cách nhau với khoảng cách 60km, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng khoảng cách này không hẳn xuất phát từ yếu tố thủy triều như ông Tuấn đưa ra.

Có ý kiến cho rằng người xưa đi bằng ngựa. Trung bình một con ngựa chạy được 60km một ngày, tới tối thì ngựa cần được nghỉ ngơi nên họ dừng lại. Đó là cơ sở để dần hình thành những đô thị quy mô nhỏ rồi phát triển lớn như hiện nay.

Cũng có ý kiến cho rằng khoảng cách 60km giữa các đô thị như hiện nay là do quy hoạch của Pháp trong thời gian đô hộ Việt Nam…

Thời hoang sơ, không ai đi ngựa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online tối cùng ngày, PGS.TS Lê Anh Tuấn đã nói rõ thêm một số vấn đề quan điểm của ông về vụ việc.

Trước hết, ông Tuấn cho rằng luận cứ của ông về vấn đề các đô thị cách nhau 60km là dựa trên yếu tố tự nhiên, lúc đầu con người ta phải nương theo tự nhiên.

Theo ông Tuấn, Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành hơn 300 năm trước. Lúc đó hoang sơ, đất mềm yếu, chưa có làng mạc, giao thông, người Việt Nam tới vùng phải đi bằng ghe, xuồng không có động cơ.

Do không thể nhanh nên họ thường sẽ nương theo dòng nước mà đi. Cụ thể nước xuôi thì họ đi, tới thời điểm nước ngược thì dừng lại chờ tới nước xuôi đi tiếp (khoảng cách là 6 giờ).

Do điều kiện tự nhiên như nêu trên nên thời đó không có người Việt Nam nào đi bằng ngựa ở Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có từ Hóc Môn (TP.HCM) trở ra vùng Đông Nam Bộ hay miền Trung do nền đất cứng thì mới có đi ngựa mà thôi.

Về ý kiến cho rằng không thể lấy chợ nổi để hiểu rằng người dân lúc đó dừng lại rồi lập chợ, sau phát triển thành đô thị, ông Tuấn cho rằng không phải lúc nào chỗ người dân dừng lại thì nơi đó cũng thành chợ nổi bởi có khi họ dừng lại nghỉ rồi lại đi tiếp.

Và khi lập chợ nổi thì cũng chỉ nơi nào điều kiện thuận lợi họ mới lên bờ. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý một vết tích là hầu hết các đô thị hiện tại ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có không gian trên bến dưới thuyền.

Người Pháp chỉ đặt nền hành chính

Về quan điểm cho rằng khoảng cách 60km giữa các đô thị là do người Pháp quy hoạch khi đô hộ, ông Tuấn lưu ý Pháp chỉ đô hộ vùng đất này khoảng 150 năm nay. Thời điểm người Pháp tới tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có những trấn như Hà Tiên, Vĩnh Long…, trong trấn có những khu dân cư khác nhau. Vì vậy khi đến đô hộ, người Pháp chỉ đặt lại hệ thống hành chính tại vùng này mà thôi.

Và ông Tuấn lưu ý khi Pháp xâm chiếm, đô hộ Nam Kỳ thì thời điểm đó không có khái niệm quy hoạch. Hiện nay cũng không có văn bản nào thể hiện Pháp quy hoạch đô thị vào lúc đó. "Không thể lấy chuyện của bây giờ để áp cho hơn 300 năm trước", ông nói.

Ông Tuấn cũng cho biết kinh nghiệm đo thủy văn của ông thì vận tốc trung bình dòng chảy khoảng 10km/h (có khi cao hơn hoặc thấp hơn một chút so với mức này nên lấy trung bình).

Vì vậy con số 60km người dân dừng lại là con số tương đối vì có khi họ di chuyển nhanh và có khi di chuyển chậm thì có thể đi được gần 60km hoặc xa hơn 60km một chút, tùy theo vận tốc dòng chảy của mỗi đoạn sông.

Còn vì sao có những đô thị cách nhau 30km chứ không phải 60km, ông Tuấn nói đây là những đô thị được hình thành sau này. Chẳng hạn như giữa TP Cần Thơ và TP Sóc Trăng hiện nay có TP Ngã Bảy là do TP Ngã Bảy được hình thành sau này.

Vì sao các đô thị ở miền Tây thường cách nhau 60km?Vì sao các đô thị ở miền Tây thường cách nhau 60km?

Châu Đốc cách Long Xuyên 60km, Long Xuyên cách Cần Thơ 60km, Cần Thơ cách Sóc Trăng 60km, Sóc Trăng cách Bạc Liêu gần 60km và Bạc Liêu lại cách Cà Mau cũng khoảng 60km.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên