07/04/2024 11:09 GMT+7

Nữ tiến sĩ mê nghiên cứu côn trùng, chỉ bà con làm nông nghiệp xanh

Tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh (giảng viên chính, khoa sư phạm khoa học tự nhiên Trường đại học Đồng Tháp) có gần 20 năm giảng dạy và nghiên cứu côn trùng học nhằm tìm ra phương pháp tự nhiên bảo vệ cây trồng và nông sản.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh say mê nghiên cứu côn trùng học nhằm tìm ra thiên địch bảo vệ nông sản và cây trồng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh say mê nghiên cứu côn trùng học nhằm tìm ra thiên địch bảo vệ nông sản và cây trồng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tiêu biểu là đề tài nghiên cứu thành phần loài gây hại trên cây mận (xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và luận án nghiên cứu khả năng kiểm soát sâu mọt trong kho của ong ký sinh tại các kho lương thực tại tỉnh Đồng Tháp.

Nghiên cứu côn trùng, bảo vệ mận đặc sản Hòa An

Theo cô Oanh, mận Hòa An (xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) giống như các cây ăn trái khác luôn bị các loài côn trùng gây hại như ruồi đục trái, sâu lông, sâu ăn trái, rệp sáp, ong ký sinh…

Từ tháng 3-2020, cô Oanh cùng với cộng sự là tiến sĩ Nguyễn Kim Búp bắt đầu nghiên cứu ruồi đục trái mận Hòa An, bởi đây là trái đặc sản của thành phố Cao Lãnh. Đề tài "Nghiên cứu thành phần loài côn trùng hại cây mận Hòa An và đặc điểm vòng đời loài ong Anselmella malacia Xiao và Huang gây hại trên trái" được nghiên cứu ở ba vườn mận trên 50 năm tuổi tại xã Hòa An, tổng diện tích gần 3.000m2.

Theo kết quả nghiên cứu, côn trùng gây hại trên trái mận khoảng 26 loài thuộc 13 họ của 8 bộ, trong đó có những loài rất nhỏ. Ngoài ruồi còn có loài ong Anselmella malacia gây hại phổ biến trên trái, tổng thời gian phát triển của loài ong này từ giai đoạn trứng đến trưởng thành khoảng 35 - 36 ngày.

"Như vậy, ruồi và ong là hai đối tượng gây hại chính trên cây mận. Chúng tôi đề xuất kỹ thuật bao trái cho mận bằng cách dùng lưới trùm với mắt lưới có kích thước <0,5mm phải thực hiện khi hoa mận chớm nở vì lúc này ong bắt đầu tấn công.

Nhà vườn cần xử lý cây mận ra hoa đồng loạt để tiện cho việc phòng trừ ong và các loài côn trùng khác; vệ sinh vườn thông thoáng, tiêu hủy trái bị hư hỏng", cô Oanh nói.

Hàng trăm loài côn trùng có kích thước nhỏ được cô Oanh sưu tầm phục vụ nghiên cứu và giảng dạy - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Hàng trăm loài côn trùng có kích thước nhỏ được cô Oanh sưu tầm phục vụ nghiên cứu và giảng dạy - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Khống chế sâu mọt gây hại

Trước đó năm 2020, cô Oanh công bố kết quả "Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của ong Anisopteromalus calandrae (Howard) ký sinh mọt cánh cứng hại trong kho tại tỉnh Đồng Tháp" cho thấy có thể dùng ong A. calandrae làm thiên địch khống chế tối đa 87% mọt trong các kho trữ gạo.

Theo cô Oanh, thiên địch (có thể là loài ký sinh hay loài bắt mồi) là kẻ thù của những loài côn trùng gây hại. Chúng ký sinh giết chết con vật chủ hoặc bắt trực tiếp ăn con vật mồi. "Nói dễ hiểu thiên địch là những kẻ thù của các loài côn trùng trong tự nhiên. Cụ thể đối tượng tôi nghiên cứu là loài ong ký sinh côn trùng gây hại cây trồng, nông sản" - cô Oanh giải thích.

Theo thống kê thiệt hại do sâu mọt gây ra trên thế giới ước 5-10% giá trị nông sản, tại Việt Nam con số này chiếm 12-15% tương đương 3.000 tỉ đồng/năm. Quá trình thu thập mẫu cô Oanh điều tra được số côn trùng gây hại khoảng 34 loài, thuộc 16 họ, 5 bộ. Đồng thời xác định được 13 loài thiên địch thuộc 10 họ của 5 bộ, trong đó có 5 loài bắt mồi ăn thịt và 8 loài ong ký sinh.

"Thực hiện luận án này tôi đã đi thực nghiệm các kho lương thực ở Đồng Tháp để thu thập mẫu. Phần lớn hiện nay các doanh nghiệp vẫn dùng phương pháp bảo quản bằng các chế phẩm hóa học phòng trừ sâu mọt vì tính nhanh, gọn.

Nhưng theo tôi để đảm bảo an toàn sản phẩm, vệ sinh môi trường và sức khỏe con người nên dùng biện pháp sinh học như nhân nuôi ong ký sinh khống chế sâu mọt hại kho dù khá tốn thời gian, bù lại là những lợi ích lâu dài", cô Oanh nói thêm.

Ông Dương Văn Tình - chuyên viên Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình - cho biết các kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh làm phong phú thêm tài liệu giảng dạy cũng như kiến thức vận dụng vào bảo vệ cây trồng, khống chế sinh vật gây hại trái.

Trước đây trên cây mận nhiều côn trùng gây hại. Chúng quá nhỏ nên không xác định được thành phần cũng như tác hại của nó, chỉ có thể dùng thuốc hóa học xịt lên cây. Hiện nay đã xác định được đối tượng gây hại, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, giảm sử dụng thuốc bảo vệ quá mức.

"Riêng việc xông thuốc diệt mọt kho ảnh hưởng chất lượng, người sử dụng nông sản và môi trường. Nếu sắp tới có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu, dùng ong làm thiên địch để tiêu diệt mọt kho thì sẽ tốt hơn so với sử dụng hóa chất", ông Tình nói.

* Tiến sĩ Hồ Văn Thống (hiệu trưởng Trường đại học Đồng Tháp):

Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Bên cạnh là nhà giáo, tiến sĩ, giảng viên chính Nguyễn Thị Oanh còn là nhà khoa học đam mê nghiên cứu về lĩnh vực côn trùng học. Kết quả nghiên cứu hướng đến giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp (lĩnh vực cây trồng), phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

29 bài báo khoa học

Từ năm 2020 đến năm 2023, tiến sĩ Nguyễn Thị Oanh đã công bố 29 bài báo khoa học, trong đó có 20 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCI (10 bài là tác giả chính), đề tài cấp bộ; đồng tác giả xuất bản giáo trình Đa dạng sinh học phục vụ giảng dạy chuyên ngành; nhận được nhiều vinh danh của Trường đại học Đồng Tháp và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Miệt mài nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏMiệt mài nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ

Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa khoa học tự nhiên Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên