Nhiệm kỳ thứ năm của ông Putin

DANH ĐỨC 18/05/2024 17:06 GMT+7

TTCT - Những động thái đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới cho thấy ông muốn điều chỉnh ngay một số lĩnh vực, trong khi vẫn muốn duy trì sự liên tục...

Tất cả diễn ra vào thời điểm mà ông Putin gọi là "thời điểm khó khăn, mang tính bước ngoặt trong lịch sử của nước Nga".

Ảnh: Politico

Ảnh: Politico

Tính liên tục đó thể hiện qua việc ông tái bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm thủ tướng và một số điều chỉnh cần kíp như thay thế bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu bằng đương kim Phó thủ tướng thứ nhất, kinh tế gia Andrey Belousov, và bổ nhiệm một số vị trí khác.

Tiếp tục "con đường đúng đắn"

Trước đó, trong diễn văn nhậm chức hôm 7-5, ông Putin cũng đã sử dụng từ "đúng hướng", song không phải do ông tự nhận xét: "(Chính) quý vị, các công dân Nga, đã xác nhận rằng đất nước đang đi đúng hướng".

Có vẻ "đúng hướng" đang là mối bận tâm lớn nhất của ông Putin sau nhiệm kỳ thứ tư đặc biệt đánh dấu bằng "chiến dịch quân sự đặc biệt" từ tháng 2-2022 ở Ukraine.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 15-3, 87,3% số phiếu bầu đã chọn ông Putin, với tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu lên tới 77,5%. 

Kết quả đó tốt với ông Putin đến mức Đài Al Jazeera của Qatar đánh giá: "Putin, 71 tuổi, sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm qua". 

Ông Putin đã nắm quyền tối cao ở Nga, bao gồm một nhiệm kỳ thủ tướng, liên tục từ năm 2000. 

Đáng lưu ý, 87,3% số phiếu của cử tri Nga đó chính là tín nhiệm giao quyền tối thượng cho ông vào lúc "chiến dịch quân sự đặc biệt" của ông đã hết năm thứ hai, đồng nghĩa cử tri đã bỏ phiếu để tiếp tục chiến dịch.

Thay ngựa giữa dòng

Với sự ủng hộ gần như tuyệt đối đó, ông Putin đã có thể tự tin với các quyết định nhân sự của mình, mà ngoài ông Mishustin tiếp tục giữ chức thủ tướng, thì một nhân vật đáng chú ý nữa là ông Denis Manturov, trong vai phó thủ tướng thứ nhất. 

Hãng tin Tass 11-5 giải thích: "Sự lãnh đạo về công nghệ là rất quan trọng... (để) dẫn đầu về công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, gồm chế tạo máy bay, sản xuất, công cụ máy móc và các ngành công nghiệp vô tuyến điện tử hoặc tổ hợp công nghiệp quân sự".

SwissInfo của Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh vai trò của ông Manturov: "Manturov giám sát ngành công nghiệp quốc phòng và dân sự của Nga, ngành đã khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu ngạc nhiên khi tăng cường được năng lực sản xuất pháo với tốc độ nhanh hơn toàn bộ liên minh quân sự NATO cộng lại, bất chấp các lệnh trừng phạt". 

Có thể thấy, qua việc bổ nhiệm ông Manturov làm phó thủ tướng thứ nhất giám sát công nghệ quốc phòng, ông Putin muốn tăng mạnh và nhanh các ưu thế của quân đội Nga trong cuộc chiến tranh có lẽ sẽ còn kéo dài.

Cũng thế là việc ông Belousov trở thành bộ trưởng quốc phòng thay thế ông Shoigu. AP 13-5 nhấn mạnh rằng ông Shoigu là bộ trưởng duy nhất bị thay thế trong nội các mới. Cơ bản, sau hai năm chiến tranh kéo dài, phải có người chịu trách nhiệm. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nói quyết định bổ nhiệm Belousov liên quan đến nhu cầu "biến nền kinh tế của khối an ninh quốc phòng thành một phần của nền kinh tế đất nước". Có thể hiểu cho tới nay, công nghiệp quốc phòng Nga quá "khép kín"; cũng thế, các quan chức quốc phòng hầu như thuần túy là dân nhà binh, nên không đủ cởi mở.

Nhưng cách giải thích đấy có khả năng mới là phần nổi của tảng băng, bởi nhiều nhân vật cấp cao ở Bộ Quốc phòng Nga dưới quyền ông Shoigu đã bị bắt bớ và truy tố trong thời gian qua, mà mới nhất là Vụ trưởng Nhân sự Yuri Kuznetsov. 

"Trung tướng Kuznetsov bị bắt vì là nghi phạm trong một vụ án hình sự. Vụ việc đang được Cục Điều tra quân sự của Ủy ban Điều tra Nga điều tra", Tass 14-5 đưa tin. 

Trước đó vào hôm 23-4, Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov bị bắt tại nơi làm việc vì tình nghi nhận hối lộ, Reuters 24-4 loan tin và chú thích rằng đây là quan chức quốc phòng cấp cao nhất của Nga bị bắt cho tới giờ.

Ông Ivanov được cho là "túi tiền" của cặp bài trùng Shoigu - Gennady Timchenko (đại gia ngành dầu khí). Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính khiến ông Shoigu bị thay thế. Cũng không thể loại trừ khả năng các vụ bắt bớ vừa qua mới là mở màn. Moscow Times 13-5 đưa ra một lời giải thích giản dị hơn: "Chẳng qua họ cảm thấy cần tống cổ Shoigu khỏi bộ máy công nghiệp quốc phòng".

Mâu thuẫn cùng cực với phương Tây

Cũng trong diễn văn nhậm chức, ông Putin giãi bày: "Chúng ta không từ chối đối thoại với phương Tây. Lựa chọn là của họ: liệu họ có định tiếp tục tìm cách ngăn chặn sự phát triển của Nga, tiếp tục chính sách xâm lược, gây áp lực không ngừng với đất nước chúng ta trong nhiều năm nữa, hay họ sẽ tìm kiếm con đường hợp tác và hòa bình?".

"Phương Tây cố gắng kìm hãm sự phát triển của Nga" có lẽ là điều nhất trí lớn nhất giữa ông Putin và các cử tri. (Trung Quốc, đồng minh của Nga, hiện cũng phàn nàn tương tự). Vì sao có quan điểm này? 

Giáo sư Guerman Diligensky và tiến sĩ Sergei Chugrov, tác giả nghiên cứu "Phương Tây trong tâm thức Nga", đăng trên trang chủ của NATO, đề quyết rằng nhận thức của Nga về phương Tây bị ảnh hưởng bởi quá trình biến nước Nga thành "hình ảnh kẻ thù", thành "vật tế thần chịu trách nhiệm cho tất cả mọi chuyện, những buồn bực và bận tâm của phương Tây".

Quả thật, phương Tây từng có lịch sử với không ít nhân vật và tổ chức găm sẵn trong đầu quan điểm tiêu cực về Nga, như Zbignew Brzezinsky, Henry Kissinger, hoặc Heritage Foundation. 

Tuy nhiên, phải thấy rằng từ năm 2000 tới nay, ông Putin "nắm chặt" nước Nga, khiến không khỏi phải đặt ra câu hỏi sau ông, liệu sẽ có (những) khuôn mặt nào có khả năng kế tục? ■

Trước cuộc bầu cử tổng thống một tháng, đúng hôm 24-2-2024, tức kỷ niệm hai năm "chiến dịch quân sự đặc biệt" nổ ra, Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VCIOM) tung ra kết quả thăm dò dư luận cho thấy chính quyền Putin "đúng hướng" ra sao với người dân Nga. VCIOM, mà Hội đồng quản trị bao gồm đại diện của Bộ Lao động và Phát triển xã hội, Bộ Quan hệ tài sản và Văn phòng Tổng thống, đã công bố các kết quả mỹ miều:

- 78% dân Nga tin rằng chiến dịch quân sự đặc biệt có mục đích rõ ràng: 43% nghĩ là để bảo vệ nước Nga, giải giáp Ukraine và ngăn chặn nước này triển khai các căn cứ quân sự của NATO; 20% nghĩ là để bảo vệ người Nga sống ở vùng Donbass; và hơn 15% tin rằng Nga đang nỗ lực thay đổi đường lối chính trị của Ukraine, loại bỏ phe "Quốc xã" ở đó.

- 68% dân Nga hậu thuẫn quyết định khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tỉ lệ này tăng nhẹ so với khi mới bắt đầu chiến dịch là 65%; 72% người Nga tin rằng mọi người phải đóng góp vào điều này.

- 2/3 người Nga tin tưởng chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ diễn ra suôn sẻ với quân đội Nga; và cũng bằng đấy cho rằng người Nga nên sống theo nguyên tắc "Tất cả vì mặt trận, tất cả vì chiến thắng".

VCIOM diễn giải rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố xã hội Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận