19/05/2024 08:59 GMT+7

Mỹ tăng thuế với Trung Quốc, kẻ mừng người lo

Một số doanh nghiệp châu Á lo lắng sau khi Mỹ áp thuế hơn 100% lên xe điện Trung Quốc, nhưng cũng có những doanh nghiệp có cái nhìn khác.

Tàu chở xe điện mang tên “BYD Explorer No.1” rời bến tại cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 9-1 năm nay - Ảnh: VCG

Tàu chở xe điện mang tên “BYD Explorer No.1” rời bến tại cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 9-1 năm nay - Ảnh: VCG

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết hiện chỉ có 2% lượng xe điện nhập khẩu vào Mỹ là từ Trung Quốc

Tuy nhiên mức thuế quan cao hơn được Mỹ áp dụng sẽ khiến Trung Quốc khó có được chỗ đứng tại xứ cờ hoa, trong lúc đó các nhà cung cấp công nghệ và ô tô khác của châu Á cũng đang đánh giá tác động từ động thái của Mỹ.

Nếu Trung Quốc trả đũa…

Hôm 14-5, Washington công bố mức thuế quan mới với xe điện do Trung Quốc sản xuất, theo đó tăng gấp 4 lần mức thuế hiện tại là 27,5% lên 102,5%, cũng như áp các mức thuế mới đối với pin năng lượng mặt trời, thép và nhôm. Các mức thuế mới sẽ tác động đến 18 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Từ những nhà sản xuất linh kiện đến các nhà cung cấp pin, nhiều doanh nghiệp châu Á đang rốt ráo đánh giá tác động từ chính sách tăng thuế quan mới này của Mỹ và có biện pháp ứng phó.

Theo báo Nikkei Asia, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang yêu cầu các nhà cung cấp đưa ra những phương án sản xuất bên ngoài Trung Quốc do lo ngại mức thuế cao hơn của Mỹ. Samsung đang cung cấp các mô đun điện tử và giải pháp cho nhiều ứng dụng khác nhau trên ô tô, liên quan đáng kể với chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng cung cấp thiết bị điện tử ô tô Liteon Technology của Đài Loan đã xây dựng một nhà máy ở Dallas, bang Texas (Mỹ) để giúp khách hàng tránh bị ảnh hưởng bởi đòn thuế của Washington. "Ngành công nghiệp ô tô biết chuyện này sẽ xảy ra và đã bắt đầu chuẩn bị từ trước" - giám đốc điều hành Anson Chiu chia sẻ.

Một số công ty đang lo Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa. Ông Ryuta Morishima, giám đốc điều hành Hiệp hội Chuỗi cung ứng pin (BASC, Nhật Bản), cho rằng việc tăng thuế với xe điện Trung Quốc có thể cản trở hoạt động sản xuất xe điện của Nhật Bản ở Bắc Mỹ và các nơi khác.

Ông giải thích: "(Bởi vì) các mỏ than chì và những vật liệu cần thiết khác cho pin xe điện, cũng như các nhà máy tinh luyện niken và lithium thường nằm tại Trung Quốc. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ khả năng Chính phủ Trung Quốc áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu".

Hiện tại các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có năng lực lắp ráp tại Mỹ song lại có nguồn cung trên toàn cầu, trong đó có cả những doanh nghiệp Trung Quốc hoặc có liên hệ với Trung Quốc. Nếu các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh được kích hoạt, chúng sẽ nhắm vào các ngành công nghiệp mà Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn nhất trong chuỗi cung ứng, gồm cả vật liệu pin.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Woods Mackenzie, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 60% nguồn cung đất hiếm được khai thác trên toàn cầu.

Những doanh nghiệp lạc quan

Tuy nhiên, không phải phản ứng nào từ doanh nghiệp cũng là tiêu cực. Các nhà sản xuất pin và ô tô Hàn Quốc đang đặt cược vào thị trường Mỹ đã hoan nghênh động thái tăng thuế, với hy vọng chúng sẽ làm giảm sự cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Quản lý cấp cao của một nhà sản xuất pin Hàn Quốc chia sẻ: "Không có gì tồi tệ cả. Áp mức thuế quan 100% đồng nghĩa xe điện Trung Quốc dùng pin Trung Quốc không thể vào được thị trường Mỹ".

Công ty CATL và BYD của Trung Quốc nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường pin toàn cầu trong quý đầu năm nay, lần lượt ở mức 37,9% và 14,3%. Kế đó là công ty sản xuất pin LG Energy Solution của Hàn Quốc với 13,6% và Panasonic của Nhật Bản với 5,8% thị phần, theo dữ liệu của SNE Research.

Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, việc Mỹ tăng thuế được đánh giá sẽ có ít tác động ngay lập tức đến các công ty như BYD, Geely và những công ty khác. Mức thuế hơn 25% áp dụng trước đó, cùng với nhiều rào cản thương mại khác, vốn đã ngăn các hãng ô tô lớn của Trung Quốc tung ra sản phẩm mới tại thị trường ô tô số 2 thế giới.

Bà Stella Li, giám đốc điều hành BYD khu vực châu Mỹ, nói: "Chúng tôi không có kế hoạch vào thị trường Mỹ, do đó thông báo tăng thuế này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chúng tôi". Bà nói thêm BYD có kế hoạch xây một nhà máy mới ở Mexico để phục vụ thị trường địa phương.

Theo ông Howard Yu, giáo sư quản lý và đổi mới tại Trường kinh doanh IMD (Thụy Sĩ), tác động ngắn hạn từ việc Mỹ tăng thuế đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ hạn chế do họ không bán trực tiếp sang Mỹ, nhưng tác động lâu dài sẽ rất lớn vì thuế quan sẽ ảnh hưởng đến đợt mở rộng quy mô tiếp theo của các doanh nghiệp này.

Ông Yu cũng dự đoán các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ thử những chiến lược khác nhau để tiếp cận thị trường Mỹ.

"Trước tiên họ sẽ chuyển nhà máy của mình sang Đông Nam Á vì mức thuế quan mới không áp dụng cho các nước ở đây. Họ cũng có thể thực hiện chiến lược "doanh nghiệp với doanh nghiệp" bằng cách cung cấp các linh kiện hoặc thậm chí chuyển nhà máy sang Mexico hoặc thậm chí sang Mỹ" - ông dự đoán.

Nhà kinh tế Lu Ting tại Tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura cũng lưu ý về một kịch bản căng thẳng có thể xảy ra: châu Âu nối gót Mỹ, áp thuế cao hơn với xe điện Trung Quốc.

Canada sẽ làm theo Mỹ?

Tiết lộ với Hãng tin Bloomberg ngày 17-5, Bộ trưởng Thương mại Mary Ng của Canada cho biết nước này đang xem xét liệu có cần tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc không sau động thái của Mỹ. "Chúng tôi đang xem xét vấn đề này rất cẩn thận và cũng có cuộc đối thoại cởi mở với các đối tác Mỹ" - bà nói.

Xe điện Trung Quốc chỉ chiếm 1% thị phần Mỹ, vì sao ông Biden áp thuế hơn 100%?Xe điện Trung Quốc chỉ chiếm 1% thị phần Mỹ, vì sao ông Biden áp thuế hơn 100%?

Trong quý đầu tiên năm 2024, chỉ có một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc xuất khẩu xe điện sang Mỹ và hãng này chiếm chưa đến 1% thị phần. Vậy tại sao ông Biden cứng rắn với xe điện Trung Quốc?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên