23/06/2019 19:24 GMT+7

Một cuộc bán danh

Tuổi Trẻ Cười
Tuổi Trẻ Cười

TTO - Câu chuyện diễn ra cuối thế kỷ 20, cách đây lâu lắm rồi.

Tôi xin kể lại để người đời sau xem xét, giữ cho hoạt động văn hóa văn nghệ ngay ngắn, tránh thứ hư danh tào lao, làm tổn thương phẩm giá người làm văn hóa văn nghệ.

Ngày ấy, có vị lãnh đạo một cơ quan uy tín bỗng có ước mơ lãng mạn, muốn cho... con của mình trở thành người nổi tiếng! Ông bèn nhờ một người làm thơ viết những bài thơ thiếu nhi, đứng tên... con  mình; trước đăng trên báo, sau in thành tuyển tập. Nếu chuyện dừng lại ở đó thì quá may mắn, chưa có gì đáng để bàn.

Thế nhưng, một tay quân sư quạt máy nào đó "dùi" cho ông rằng phải làm cho những bài thơ ấy trở thành ca từ của âm nhạc thì mới... thẩm thấu vào lòng người nghe, và những bài thơ ấy mới tồn tại lâu dài được. Nói cụ thể, phải đem những bài thơ ấy mời các nhạc sĩ phổ nhạc rồi cho hát lên...

Cái sáng kiến tối thui ấy không ngờ lại tạo ra một trò hài hước lớn. Người ta điểm danh, kính mời những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, giáo sư, nhà quay phim, đạo diễn nổi tiếng cùng tham gia chiến dịch "đánh bóng tài năng". Thù lao được trả rất hậu hĩnh. Vàng thời điểm ấy giá 300.000 đồng một chỉ, nhưng hễ ai chịu tham gia thì được đưa ngay một bao thư 5 triệu đồng, chưa cần biết chất lượng sản phẩm ra sao!

Mỗi nhạc sĩ được mời đến chọn một bài thơ viết thành ca khúc. Bình thường vị lãnh đạo cực ghét cây đàn ghita, nhưng trong những ngày ấy, phòng ông lại có cây ghita tra bộ dây Savarez tạo hứng cho nhạc sĩ đàng hoàng. Trong 15 anh nhạc sĩ, chỉ có một anh từ chối viết.

Nhà văn thì phải viết mấy bài nhận định về tài năng thi ca của cháu trên báo. Nhà thơ lãnh nhiệm vụ viết và đọc bài giới thiệu về tài năng thi ca của cháu ở đầu băng video. Vị giáo sư cũng có bài phân tích ngôn ngữ, thi ảnh và cảm xúc văn học qua thi ca của cháu (?) trong buổi ra mắt video này.

Cuốn băng video được ra mắt hoành tráng, có tên tuổi, lời nhận định của các bậc tiền bối đứng đầu; có thiếu nhi ca hát và đọc thơ; dài trên 70 phút. Băng video không bán, chủ yếu được dùng làm quà tặng kèm theo một tập thơ in khá đẹp. Thi ca và âm nhạc Việt Nam dường như được nâng cao lên một bước với sự xuất hiện của một tài hoa trẻ...

Cái tức cười là những người tham gia sự kiện đều biết đó là trò giả dối, nhưng ngoài miệng thì họ ca ngợi cháu bé đến tận mây xanh! Đơn giản thôi, văn nghệ sĩ ta ngày ấy thu nhập ít quá, cuộc sống khó khăn quá, nên số tiền thù lao 5 triệu đồng mà chỉ làm trong... vài giờ là quá hấp dẫn!

May phước cho nền văn hóa văn nghệ là tất cả cố gắng "đánh bóng tài năng" ấy đều rơi vào quên lãng. Không một ai quan tâm đến cuốn băng video và tập thơ ấy. Anh em viết văn hóa văn nghệ các báo cũng chẳng có ai viết bài phản ánh, khen ngợi hay cười chê hai sản phẩm này. Họ biết tỏng tòng tong cái trò bán danh này, nhưng thật sự thương tiếc tên tuổi những người nổi tiếng nên... đành bỏ qua!

Chỉ có một anh nhạc sĩ bị ghét cay ghét đắng vì đã ngoan cố không chịu phổ nhạc bài thơ theo đơn đặt hàng. Chuyện đơn giản là anh ta không muốn bán danh làm ra sự giả dối. Cuộc đời anh ta từ đó trôi hoài như lục bình trôi...

Đinh Mười Hai

Tuổi Trẻ Cười
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên