13/04/2024 09:44 GMT+7

Lớp học 'chạy' ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM

Nói học chạy' là vì ngoài các môn bắt buộc, học theo lớp cố định vào buổi sáng, buổi chiều mỗi học sinh ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM có một thời khóa biểu riêng, chạy sang các lớp có môn học tự chọn mà mình đăng ký.

Sáng 12-4, Phan Ngô Quỳnh Mai học môn tiếng Anh tại lớp 11 chuyên sinh cùng với hơn 20 học sinh của lớp này - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sáng 12-4, Phan Ngô Quỳnh Mai học môn tiếng Anh tại lớp 11 chuyên sinh cùng với hơn 20 học sinh của lớp này - Ảnh: NHƯ HÙNG

Mô hình lớp học "chạy" được triển khai ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ năm học 2022 - 2023 đến nay.

Sáng học một lớp, chiều học nhiều lớp

Sáng 12-4, Phan Ngô Quỳnh Mai, học sinh lớp 11 chuyên sinh, đến trường và ngồi học tại lớp 11 chuyên sinh với các môn văn, toán, tiếng Anh.

Chiều 12-4, lớp 11 chuyên sinh không còn nữa, hơn 20 học sinh của lớp này tỏa đi học ở nhiều lớp khác nhau. Quỳnh Mai cũng vậy, Mai chuyển sang phòng học mỹ thuật và học cùng với học sinh các lớp 11 chuyên lý, chuyên hóa, chuyên toán...

Tương tự, ngày 12-4 Nguyễn Tấn Đức, học sinh lớp 10 chuyên tin, có lịch học như sau: buổi sáng học chung với các bạn tại lớp 10 chuyên tin theo thời khóa biểu chung của lớp.

Đến buổi chiều, Đức và các học sinh lớp 10 chuyên tin di chuyển sang nhiều lớp khác nhau theo lựa chọn cá nhân.

Hai tiết đầu Đức ngồi ở phòng học môn công nghệ cùng với những học sinh của các lớp 10 chuyên Anh, chuyên hóa, chuyên địa... Hai tiết sau Đức qua sân cầu lông để học môn giáo dục thể chất cùng với những học sinh khác.

Cô Phạm Thị Bé Hiền, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tại các trường THPT trên cả nước từ năm học 2022 - 2023 đối với khối lớp 10. Ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các học sinh sẽ được chọn lựa 4 môn học và 3 chuyên đề.

Từ sự chọn lựa môn học của học sinh, trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu theo hướng tất cả các buổi sáng học sinh sẽ học môn bắt buộc và môn chuyên theo lớp truyền thống của mình, ví dụ học sinh lớp 10 chuyên Anh sẽ học buổi sáng ở lớp 10 chuyên Anh.

Nhưng vào buổi chiều, học sinh chuyển sang học cùng với học sinh các lớp khác theo môn học tự chọn, chuyên đề, giáo dục thể chất đã đăng ký và học trí tuệ nhân tạo (AI) cơ bản. Như vậy, mỗi học sinh sẽ có một thời khóa biểu riêng".

Đến chiều 12-4, Mai và các bạn lớp 11 chuyên sinh tỏa đi học ở nhiều lớp khác nhau. Trong ảnh: Mai đang học tại lớp mỹ thuật cùng với học sinh các lớp khác - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đến chiều 12-4, Mai và các bạn lớp 11 chuyên sinh tỏa đi học ở nhiều lớp khác nhau. Trong ảnh: Mai đang học tại lớp mỹ thuật cùng với học sinh các lớp khác - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đau đầu với thời khóa biểu

"Sau khi nghiên cứu chương trình mới, chúng tôi đưa ra nhiều phương án và cuối cùng chọn phương án tốt nhất cho học sinh. Đó là cho các em đăng ký môn lựa chọn theo đúng khả năng, sở thích của mình", cô Hiền nói.

Theo cô Hiền, để thực hiện điều này, trường gặp khá nhiều khó khăn. Năm đầu tiên trường cần thêm 8 phòng học, năm thứ 2 cần thêm 4 phòng học nữa. Do đó ban giám hiệu nhà trường đã phải thu xếp để tận dụng tất cả những phòng có thể sử dụng làm phòng học. Chẳng hạn phòng giám thị chuyển sang khu vực khác nhỏ gọn hơn, phòng bán trú gom lại để dành cho phòng học, phòng STEM và nghiên cứu khoa học nhập lại thành một phòng...

Về đội ngũ giáo viên, trường cấp tốc tuyển giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cho 2 môn học mới. Về sĩ số, các lớp tự chọn không bị đội sĩ số lên quá cao, chỉ khoảng 30 học sinh/lớp. Chỉ có duy nhất lớp chuyên đề mỹ thuật là sĩ số đội lên 50 học sinh.

"Cái khó nhất chính là việc xếp thời khóa biểu cho từng học sinh, làm sao để lịch học của các em không bị đụng với các môn khác, làm sao cho lịch dạy của giáo viên hài hòa, đủ tiết nghĩa vụ... là một vấn đề rất đau đầu. Chúng tôi phải sử dụng cả hai phương pháp: thủ công và công nghệ", cô Hiền thừa nhận.

Học sinh Nguyễn Tấn Đức học sinh lớp 1CTIN Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Q5, TPHCM trong giờ học vẽ kỹ thuật . Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh Nguyễn Tấn Đức học sinh lớp 1CTIN Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Q5, TPHCM trong giờ học vẽ kỹ thuật . Ảnh: NHƯ HÙNG

Quỳnh Mai chia sẻ: "Bốn môn tự chọn của em là hóa, sinh, âm nhạc và mỹ thuật. Trong đó, hóa và sinh là chọn để định hướng nghề nghiệp vì em dự định theo ngành y. Còn âm nhạc và mỹ thuật là hai môn năng khiếu, em chọn học để cân bằng cuộc sống, để việc học tập đỡ áp lực hơn".

Dù học chuyên khá căng thẳng nhưng Mai vẫn có thời gian hoàn thành nhiệm vụ phó chủ nhiệm CLB Harmonica. "Được chọn môn mình thích nên em cảm thấy việc học rất thoải mái và nhẹ nhàng. Không những thế, em còn được làm quen và học tập với nhiều bạn ở nhiều lớp khác nhau, được học với nhiều giáo viên khác nhau trong cùng một môn học", Mai nói.

Còn với Nguyễn Tấn Đức, bốn môn lựa chọn của em là tin học, lý, công nghệ và âm nhạc. Trong đó, môn âm nhạc là để giải tỏa những lúc căng thẳng, các môn còn lại là để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này.

"Việc di chuyển từ lớp này sang lớp kia, học chung với nhiều bạn khác nhau mang lại cho em cảm giác thú vị. Đồng thời đây cũng là cơ hội để em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, mở rộng mối quan hệ bạn bè", Đức nói.

* Ông Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM):

Nhân rộng mô hình

Lớp học 'chạy' ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM- Ảnh 4.

Hiện ở TP.HCM có rất ít trường làm được như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vì nhiều lý do khách quan như thiếu giáo viên, thiếu phòng học, không tuyển được giáo viên âm nhạc, thể dục...

Nhất là với các trường có đông học sinh thì đây là bài toán nan giải. Đa số các trường quy định tổ hợp môn cứng từ 3-4 môn rồi cho học sinh chọn lựa tổ hợp ấy. Cách làm này chỉ là giải pháp tạm thời vì trong tổ hợp ấy sẽ có những môn học sinh không thích nhưng vẫn phải học.

Do đó sở đang yêu cầu các trường tìm giải pháp để từng bước thực hiện mô hình như ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Đây là thách thức nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc vì mô hình này đảm bảo cho học sinh được phát triển tốt nhất theo năng lực của mình.

Cô Phạm Thị Bé Hiền (hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong)

Thích mới học

Lớp học 'chạy' ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM- Ảnh 5.

Cái được của mô hình này là tạo điều kiện cho học sinh phát triển tối đa năng lực cá nhân. Các em được chọn lựa từng môn học sao cho phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Nếu như trước đây học sinh không thích một môn học nào đó thì đến tiết vẫn phải học, vẫn phải làm bài kiểm tra đầy đủ thì nay môn nào các em thích mới học, không thì thôi. Vì vậy tinh thần học tập của học sinh rất tốt, khí thế và phấn chấn hơn. Giáo viên cũng hứng thú hơn khi giảng bài cho những học sinh yêu thích môn học của mình.

Đường đến cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế của học sinh Trường chuyên Lê Hồng PhongĐường đến cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế của học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong

Dự án của hai học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2024 tại Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên