19/02/2017 08:19 GMT+7

Tư vấn cho 7.000 học sinh Hải Phòng: Đừng 'sa lầy' trong vũng nước!

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Tại Hải Phòng, sáng 19-2, chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra từ 8h sáng tại trường ĐH Hàng hải Việt Nam.

Từ sớm hàng trăm bạn học sinh đã có mặt tại điểm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2017 tại Hải Phòng - Ảnh: Nam Trần
Từ sớm hàng trăm bạn học sinh đã có mặt tại điểm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2017 tại Hải Phòng - Ảnh: Nam Trần

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hải Phòng và trường ĐH Hàng hải Việt Nam tổ chức. Tập đoàn Vingroup đồng hành cùng chương trình.

Đây là chương trình thứ 2 tại miền Bắc trong chuỗi Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 và là lần thứ 4 được tổ chức tại TP Hoa phượng đỏ. 

Ngoài số học  sinh tại các trường THPT trong nội thành, Tuổi Trẻ phối hợp với trường ĐH Hàng Hải Việt Nam bố trí 20 xe đưa đón học sinh các huyện ngoại thành về dự ngày hội.

Từ 7h30, khoảng 7.000 thí sinh đã có mặt.  Rất nhiều thầy, cô giáo, phụ huynh cũng cùng đến để được tư vấn.

Một số lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn TP cho biết từ các năm trước, chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hải Phòng và trường ĐH Hàng hải Việt Nam tổ chức rất hiệu quả, nên các trường không tổ chức tư vấn hướng nghiệp riêng nữa mà chờ đón chương trình hôm nay.

Trong khuôn viên trường ĐH Hàng hải Việt Nam có 20 gian tư vấn của 14 trường ĐH-CĐ cũng tham dự để góp cùng chương trình, cung cấp cho thí sinh những thông tin mới nhất liên quan tới mùa tuyển sinh sắp tới.

Các bạn học sinh trao đổi trước giờ chương trình diễn ra - Ảnh: Nam Trần
Các bạn học sinh trao đổi trước giờ chương trình diễn ra - Ảnh: Nam Trần
Thí sinh nữ tươi cười trước giờ diễn ra chương trình - Ảnh: Nam Trần
Thí sinh nữ tươi cười trước giờ diễn ra chương trình - Ảnh: Nam Trần

Đừng bỏ biển lớn mà “sa lầy” trong vũng nước

TS Sái Công Hồng, phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT, ví von một cách hình ảnh để các học sinh Hải Phòng dễ hình dung về tỷ lệ giữa các câu hỏi cơ bản với câu hỏi phân hóa cao và có hướng ôn tập kĩ kiến thức cơ bản. Vì kiến thức cơ bản sẽ chiếm 60% trong đề thi, được ví như biển lớn mà học sinh cần phải nắm vững.

Nếu cơ bản không vững mà chỉ lo đi luyện các kiến thức quá khó, khi thi lao vào làm các câu khó trước mà không còn thời gian làm các câu hỏi cơ bản thì giống như người bỏ biển lớn kiến thức cơ bản để sa lầy trong vũng nước nhỏ.

TS Sái Công Hồng cho biết thêm bài thi trắc nghiệm sẽ từ dễ đến khó. Nên giống như các vòng đua ngựa, các chú ngựa có năng lực, rèn luyện thật tốt sẽ càng vào sâu các vòng trong thì càng có cơ hội nhiều hơn trong xét tuyển ĐH-CĐ.

Các bạn học sinh đặt câu hỏi cho các thầy cô - Ảnh: Nam Trần
Các bạn học sinh đặt câu hỏi cho các thầy cô - Ảnh: Nam Trần

 

Các thầy cô trả lời những thắc mắc về những điểm mới của tuyển sinh năm 2017 - Ảnh: Nam Trần
Các thầy cô trả lời những thắc mắc về những điểm mới của tuyển sinh năm 2017 - Ảnh: Nam Trần

Ông chủ, chuyên gia hay chính khách?

Tại khu vực tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - quản trị kinh doanh - ngoại ngữ - khoa học xã hội và nhân văn, nhiều thí sinh đặc biệt quan tâm đến những tố chất đặc biệt gì dành cho người học ngành quản trị kinh doanh - ngành đào tạo mà theo các em sau này sẽ trở thành “ông chủ”.

TS Nguyễn Đào Tùng, trưởng Ban Quản lý đào tạo Học viện tài chính, cho rằng định hướng công việc của ngành quản trị kinh doanh không chỉ thành ”ông chủ” mà còn có thể trở thành chuyên gia, chính trị gia.

Ông Tùng cho rằng tố chất để trở thành ”ông chủ” là phải có tầm nhìn xa, có đầu óc tổ chức.

“Các em có thể nhìn những giám đốc doanh nghiệp năng động, họ đều là người có tầm nhìn, đặt ra những kế hoạch có tính chiến lược, có khả năng cạnh tranh, nhưng cũng phải biết chấp nhận thử thách, chấp nhận thất bại”- ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng khi đã chọn học ngành quản trị kinh doanh, học sinh cũng nên xác định cho mình mục tiêu để trở thành chuyên gia. Hiện tại Học viện Tài chính, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân… đều có những chương trình liên kết đào tạo rất chất lượng.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, nếu có những chứng chỉ hành nghề quốc tế, sinh viên sau ra trường có cơ hội làm chuyên gia không chỉ trong các doan nghiệp trong nước mà còn làm chuyên gia cho các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Một người có chứng chỉ hành nghề kế toán có thể làm cho 50, 100 công ty.

Và như vậy, trở thành “ông chủ” để làm giàu và trở thành chuyên gia cũng có thể làm giàu. Riêng mục tiêu trở thành chính khách, ông Tùng cho rằng ngoài những yếu tố trên còn cần sự điềm đạm.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn lo lắng về cơ hội việc làm ngay từ lúc lựa chọn trường để đăng ký xét tuyển, nhất là khi thông tin về ngành sư phạm, một số ngành kinh tế… có dấu hiệu bão hòa.

Theo các chuyên gia, nếu đã có đam mê thì học sinh cần đeo đuổi ước mơ, nỗ lực học tập đạt kết quả tốt và có ý thức trau đồi, rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết trong thời đại hội nhập.

PGS. TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết theo thống kê của trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của Trường ĐH Ngoại thương lên đến 97%.

Trường Ngoại thương có phải “lò” đào tạo người mẫu, hoa hậu…?

Một câu hỏi làm khu tư vấn khối ngành Kinh tế - Tài chính sôi động: “Trường ĐH Ngoại thương có rất nhiều sinh viên là người mẫu, MC, thậm chí  có cả hoa hậu. Vậy trường có định hướng đào tạo cho sinh viên trở thành người của công chúng không?”

Đánh giá đây là một câu hỏi thú vị, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ: “Trường không có ngành đào tạo như vậy. Nhưng trường ĐH Ngoại thương là trường đào tạo năng động, hiện có khoảng 70 câu lạc bộ giúp sinh viên có môi trường phát huy hết khả năng của mình. Những sinh viên làm MC, người mẫu, hoa hậu hầu hết trưởng thành từ các câu lạc bộ này.”

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên