04/12/2023 09:48 GMT+7

Gọn nhẹ như thi đánh giá tư duy

Trái với tâm lý hồi hộp, lo âu và căng thẳng thường thấy của nhiều kỳ thi, các thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá tư duy ngày 3-12 đều tỏ ra thoải mái. Nhiều em thi sớm để làm quen với dạng đề thi, phần mềm thi, trường thi.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 vào sáng 3-12 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 vào sáng 3-12 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Sáng 3-12, gần 3.000 thí sinh từ Hà Nội tới Đà Nẵng đã tham dự kỳ thi đánh giá tư duy đợt đầu tiên do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức để lấy kết quả tranh suất vào đại học 2024.

Em cảm nhận đề thi đánh giá tư duy có nhiều câu hỏi vận dụng cao liên quan đến các kiến thức thực tế trong cuộc sống, tập trung nhiều vào tư duy chứ không đơn thuần là áp dụng công thức. Như câu hỏi về mèo, chỉ đọc đề bài là đã có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về con vật này để tương lai nếu muốn em có thể áp dụng vào nuôi mèo.

Phạm Lê Công (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Thi đến khi hài lòng

4h sáng, Trần Hải Đăng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phương Sơn, di chuyển từ Bắc Giang lên Hà Nội để kịp dự thi. Đăng cho biết mặc dù dự thi ở thời điểm này là khá sớm nhưng em vẫn rất tự tin, nhất là các câu hỏi liên quan đến toán học. Đợt thi này Đăng muốn thử sức khả năng của bản thân đang ở mức nào, từ đó định hướng ôn tập, củng cố kiến thức tốt hơn cho các lần thi tiếp theo.

Tương tự, Phạm Minh Công, học sinh lớp 12 Trường THPT Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội), cho biết từ đợt nghỉ hè năm lớp 11 em đã bắt đầu tự ôn thi đánh giá tư duy trên mạng. Lê Quang Bình, học sinh lớp 12 Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh), cũng vậy, chỉ ôn thi theo các công cụ ôn thi Đại học Bách khoa Hà Nội cung cấp từ đầu lớp 12, không học thêm bên ngoài. Đợt này Bình thi để lấy cả kết quả và kinh nghiệm.

"Hiện các trường đại học đang chia nhỏ chỉ tiêu cho rất nhiều phương thức xét tuyển. Nếu em đặt hết niềm tin vào điểm thi tốt nghiệp THPT thì cơ hội vào các trường tốp đầu rất khó, vì nhiều trường đang giảm chỉ tiêu phương thức này. Tham gia kỳ thi xét tuyển riêng là cơ hội để giúp tâm lý của em nhẹ nhàng hơn trong đợt xét tuyển cuối năm. Lần này nếu kết quả chưa tốt thì em sẽ thi các đợt sau. Mục tiêu của em vào ngành điện tử viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội" - Bình nói.

Nguyễn Hải Đăng - học sinh lớp 12 Trường THPT Bắc Duyên Hà (Thái Bình) - cho hay thích nhất phần tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học của đề vì có khá nhiều vấn đề về thực tiễn xã hội. Ở phần thi môn toán, Đăng thừa nhận do một số nội dung em chưa có sự chuẩn bị kỹ nên chưa thực sự làm tốt. Đăng tự đánh giá đã làm được 60% bài thi. Đăng quyết tâm thi đến khi nào cảm thấy hài lòng thì thôi.

Không nên thi 2 đợt quá gần nhau

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức sớm hơn năm trước nhằm giúp các thí sinh đã tự tin về kiến thức của mình có thể dự thi lấy kết quả xét tuyển đại học. 

Ngoài ra, đợt thi còn giúp thí sinh làm quen với cách làm bài, cách phân bổ thời gian. Từ kết quả thi lần này, thí sinh có thể đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp. Kỳ thi đánh giá tư duy tổ chức 6 đợt, thí sinh sẽ có rất nhiều cơ hội để tăng hạng kết quả thi.

Trước lo lắng việc tổ chức kỳ thi sớm, nhiều thí sinh chưa học hết kiến thức lớp 12 ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả bài thi, ông Điền "nhắc" thí sinh hãy cố gắng tập trung đọc kỹ đề bài trước khi làm. 

"Các thí sinh thực sự phải đọc kỹ đề bài, đôi khi ngay trong đề bài cũng lồng ghép kiến thức cho thí sinh vận dụng. Có những câu hỏi mặc dù kiến thức dễ nhưng cấp độ suy luận tư duy lại khó và ngược lại" - ông Điền nói.

Ông Điền cho biết thêm kỳ thi đánh giá tư duy được thiết kế chuẩn hóa, thí sinh không nên thi hai đợt thi gần nhau quá. Việc học kiến thức nền tảng là rất quan trọng, đề thi không "mẹo" nhưng hỏi nhiều kiến thức khá rộng. 

Với số lượng câu hỏi nhiều và ba cấp độ tư duy, thí sinh phải hết sức khẩn trương và có chiến lược làm bài tốt. Nhà trường cũng đã cung cấp một số tư liệu ôn tập để các thí sinh làm quen trước, đặc biệt những kỳ thi thử đã được thực hiện.

Dùng kết quả thi đánh giá tư duy để xét tuyển y dược được không?

Hiện có hai luồng ý kiến về việc các trường y dược sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển. Thứ nhất, nhiều người cho rằng có thể sử dụng kết quả này do các trường y dược chỉ cần đánh giá tổng thể thí sinh về năng lực, tư duy và thấy các em đủ năng lực học tập là được. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng phải có nội dung hóa học, sinh học vì đây là nền tảng để người học có thể theo đuổi các môn vốn rất dài của ngành y dược.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng kỳ thi đánh giá tư duy hiện tại đều đáp ứng những yêu cầu này. "Tuy nhiên, nếu khối y dược đặt hàng Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi hoàn toàn có thể tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy riêng cho khối ngành này. Trong đó giữ nguyên nội dung thi về đánh giá tư duy toán học và tư duy đọc hiểu. Riêng phần tư duy khoa học sẽ thiết kế theo hướng nhiều kiến thức về hóa học và sinh học" - ông Điền nói.

Những thí sinh đầu tiên thi đánh giá tư duy tranh suất vào đại học năm 2024Những thí sinh đầu tiên thi đánh giá tư duy tranh suất vào đại học năm 2024

Dù chưa hết học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 nhưng sáng 3-12, gần 3.000 thí sinh đã chính thức tham dự kỳ thi đánh giá tư duy đợt đầu tiên để tìm cơ hội xét tuyển vào đại học năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên