02/04/2005 06:31 GMT+7

Củ Chi: từ hầm bí mật đến địa đạo chiến

ĐẶNG ĐẠI
ĐẶNG ĐẠI

TT - Kháng chiến dẻo dai nhờ khoai với củĐào hầm lủ khủ nhờ củ với khoai…

691FIjQD.jpgPhóng to
Đào địa đạo - Ảnh tư liệu
TT - Kháng chiến dẻo dai nhờ khoai với củĐào hầm lủ khủ nhờ củ với khoai…

Giọng lảnh lót của cô bé quảy gánh khoai đi đến đâu làm chỗ đó bật lên tiếng cười. Mấy chú mấy anh đang đào hầm giả bộ làm mặt chê: “Bộ mày hết bài hát sao mà ngày nào cũng cứ bấy nhiêu hát đi hát lại hoài vậy, Bảy?”. Con bé ngúng nguẩy trề môi làm thêm câu chót: Có củ với khoai đào hoài hổng mệt! Ai nấy cười rần.

“Con bé” đó là… bà Bảy Mia cách đây 55 năm trước, hiện đang sống ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ngày đó Bảy Mia mới có 12 tuổi, là thiếu nhi, được phân công nhiệm vụ tiếp tế khoai lang, khoai mì cho mấy chú mấy anh đào địa đạo chống giặc Pháp.

Làng ngầm đầu tiên trong lòng đất

Trụ sở UBND xã Tân Phú Trung nhỏ bé nằm nép mình bên đường xuyên Á mới toanh, to lớn, hiện đại vùn vụt xe cộ chạy qua. Xã nằm giữa đoạn Sài Gòn đi Củ Chi về hướng Tây Ninh. Ông Hai Nhân, một cán bộ của Mặt trận Tổ quốc xã, xăng xái dắt tôi đi tìm bà Bảy Mia, không quên tranh thủ giới thiệu đầy vẻ tự hào: “Ở đây đường giao thông nông thôn đều nhựa hết rồi !”.

Quả vậy. Đường đẹp thì nhà cũng đẹp. Thấp thoáng dưới những tán xanh vườn tược là những ngôi nhà mái ngói êm đềm. Cảnh thanh bình như muốn rủ rê bất cứ lữ khách nào ghé vào vườn, đánh một giấc trưa nồng nàn dưới tán me, gốc ổi… Bà Bảy Mia vừa bán sữa đậu nành cho mấy đứa nhỏ học Trường mẫu giáo Bông Sen, vừa đưa tay chỉ: “Ở dưới nền trường đó cũng là địa đạo, chạy dài từ đó ra tới Đồng Trảng, cả cây số có dư”.

“Hồi đầu nhà tui làm hầm bí mật trốn Pháp. Ở đây nhà nào cũng vậy”, bà kể. Vì là hầm bí mật nên của ai nấy biết. Có người đào hầm dưới chiếc phản trong nhà, phía dưới lu nước hoặc giữa lòng giếng khơi: ở bên thành giếng trổ một ngách vào lòng đất. Phổ biến nhất là hầm đào dưới những bụi gai mây hoặc giữa bụi tre. Đó thường là những bụi tre bình thường được trồng làm ranh giới hàng rào giữa các vườn nhà.

Được trồng từ đời này sang đời khác nên chúng mọc bít bùng, rậm rạp. Hầm được đào dọc theo các bụi tre và miệng hầm trổ lên giữa bụi. Khi có động thì khéo léo trèo vào giữa bụi tre, thả mình gọn gàng xuống miệng hầm nhỏ nhắn chui vừa đủ thân người.

Một kiểu khác phổ biến là kiểu hầm nằm ngay trên mặt đất bằng phẳng, được đào ở bất kỳ đâu trong vườn, nơi địch ít ngờ nhất. Miệng hầm mở vừa khít một thân người, đóng khung gỗ để tránh sạt lở. Khi có động, người cuối cùng xuống hầm nâng nắp đậy lại, ngụy trang lá mục bên trên.

Ông Hai Thành (Phạm Tấn Thành) - nguyên là du kích Củ Chi, sau này theo bộ đội chủ lực đầu quân cho trung đoàn Quyết Thắng (trung đoàn Gia Định sau này), nguyên đại tá chủ nhiệm Cục Hậu cần Quân khu 7, nay là chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi - vừa cười vừa kể: “Hồi đó tôi còn nhỏ, nghe kể lại là ở Tân Phú Trung có hai ông nọ theo Việt Minh đánh Tây, bị nó ruồng bố nên đào hầm bí mật trốn. Hầm bí mật nên mỗi ông tự đào, ai đào nấy biết. Bỗng hôm nọ hai ông đào… phụp hầm nhau (thông nhau). Vậy là ý tưởng nối thông các hầm bí mật thành địa đạo ra đời”.

Ông Sáu Liễng (Võ Tấn Tạo), một trong những người đầu tiên bổ nhát cuốc vào lòng đất làm nên địa đạo Tân Phú Trung - Phước Vĩnh An, chia sẻ: “Chuyện vì sao địa đạo ra đời thì có nhiều giai thoại lắm nhưng chính là như thế này: vì mỗi nhà làm hầm bí mật một phách nên kỹ thuật ngụy trang chưa tốt, thỉnh thoảng địch vẫn phát hiện được. Trong khi đó lúc này giặc Pháp ruồng bố rất tàn khốc. Trận càn nào của giặc cũng có người chết chóc, phụ nữ bị hãm hiếp.

Vì thế đến năm 1946, chi bộ xã quyết định những đồng chí cùng hoạt động, những gia đình thân thuộc ở kế cận nhau nên trổ vách trú ẩn chung. Cứ bình quân năm nhà kế cận thì đào liên thông nhau. Từ đó địa đạo ngũ gia hình thành”. “Nói là ngũ gia nhưng thật ra cũng có khi sáu gia đình, có khi ba gia đình, tùy địa hình mà nối kết lại với nhau”, bà Bảy nói.

Nhà bà Bảy Mia, ông Tư Tò, Tư Tô, Hai Tí chung một địa đạo. Các xóm Bà Giã, Cây Da, Bàu Sim, Giồng Sao, Phú Lợi lúc này hình thành một làng ngầm trong lòng đất. Bình thường thì bà con vẫn ra ruộng ra đồng, nhưng khi có động là tất cả đều rút xuống hầm bí mật, chỉ còn lực lượng dân quân, du kích bên trên, vừa chống càn vừa dẫn dụ địch vào trận địa.

“Sống dưới địa đạo nó khổ trần ai khoai củ tụi bây ơi!...”, bà Bảy nhớ lại và kêu trời. Bà sợ nhất là bị ngứa, bị lở loét. Dưới hầm sâu đất ẩm, thiếu dưỡng khí lại tối tăm nên là điều kiện tự nhiên rất tốt cho các thứ bệnh ngoài da.

Nhưng sợ nhất là bị giời leo: ban đầu da nóng như bị lửa đốt, sau đó phồng rộp lên và chảy nước, lở loét rất khó lành. Vết loét do giời leo còn độc địa ở chỗ là rất đau đớn, “đụng vào là thốn tới óc sọ”, bà Bảy Mia kinh hoàng. “Sợ giời thì sợ nhưng Pháp nó tới là cũng vọt xuống con ơi. Pháp nó còn ghê hơn!” - bà so sánh.

Những trận đánh đầu tiên từ địa đạo

lPyO8u06.jpgPhóng to
Du kích Củ Chi chiến đấu tại chiến hào - Ảnh tư liệu

Qua những năm 1950 thì chiến trường ngày càng thêm ác liệt. Không còn những trận càn nhỏ lẻ nữa mà địch tập trung đánh phá bằng những chiến dịch lớn với quân số đông và khí tài hiện đại hơn.

Lúc này từ các cửa địa đạo du kích đã trổ thêm hệ thống chiến hào, hình thành các ổ chiến đấu, chặn giặc từ vòng ngoài, chuyển từ trốn tránh sang phản công - phòng thủ.

Tìm cách trốn tránh trong lòng đất nhưng giặc Pháp được sự chỉ điểm của Việt gian thì nó đâu có tha, khi phát hiện được chúng tìm mọi cách lần theo đánh phá. “Nó lần theo đánh thì mình tìm cách đánh trả”, sự hình thành địa đạo chiến ban đầu đơn giản như cách lý giải của ông Sáu Liễng.

Lúc này làng làng ấp ấp, người lớn thì vừa làm đồng làm ruộng vừa đào địa đạo; trẻ con thì tiếp tế và vót chông. Ngay miệng địa đạo thường được ngụy trang nhiều hố chông tre.

Chông tre chẻ đôi theo kiểu lá hẹ, ngâm dầm dề trong nước ao tù, nước tiểu, nước rửa chén hoặc hầm phân heo nhiều ngày nên rất độc. “Thằng giặc nào xui sập hố chông không lủng ruột chết ngay thì cũng bị phong đòn gánh (uốn ván) mà chết trong đau đớn” - ông Sáu Liễng nói.

Nhưng không chỉ đánh Tây bằng chông một cách đơn giản vậy. Ông Hai Thành cho biết về sau khi giặc qua được cửa ải đầu tiên (miệng địa đạo) và lần dò vào sâu bên trong thì du kích tìm cách đánh khác: đường địa đạo đi thẳng, du kích trổ một ngách ngang rồi đào song song, khoảng cách hai vách đất chừng 1-2 phân.

Ở giữa hai vách khoét một lỗ nhỏ để quan sát. Khi địch lần theo, phát hiện chúng vừa lò dò tới lỗ quan sát thì rút lao tre… xiên ngang hông, bách phát bách trúng! Những thằng Tây bị xiên kiểu đó chỉ còn nước chịu chết vì bọn tiếp ứng rất khó khiêng được xác ra do lao tre “đóng đinh” chúng vào vách đất.

Tháng 7-1950, lần đầu tiên lính Pháp huy động cùng lúc năm tiểu đoàn hành quân đánh phá vào Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An với ý đồ phá hủy và bóc dỡ hệ thống địa đạo kỳ lạ trong lòng đất. Cuộc đánh trả không cân sức kéo dài suốt 15 ngày đêm... Cuối cùng lực lượng cách mạng buộc phải để người già, trẻ em ra vùng kiểm soát vì không thể để người dân sống lâu trong lòng đất. Du kích cũng lần theo địa đạo thoát khỏi vùng kềm tỏa.

Trận ác liệt thứ hai diễn ra vào ngày 27-1-1951. Quân Pháp tập trung cả thủy - lục - không quân đánh phá ác liệt suốt bảy ngày đêm ở các xã An Phú, Hòa Phú làm 153 cán bộ, chiến sĩ và dân thường tử vong.

Tháng 9-1952, trận lụt năm Thìn dữ dội gây ngập cả miền Đông Nam bộ làm cho phần lớn hệ thống địa đạo hư hỏng. Đây là những năm tháng gian khó nhất của quân và dân ở vùng khai sinh ra địa đạo. Nhân cơ hội này địch càng tập trung đánh phá. Chúng dùng đại bác phá hủy nhiều hầm hào. Chúng chặt hết cây cối, vườn tược và lùa đồng bào đi trước để chúng tiến phía sau, sục sạo tìm địa đạo.

Nhiều đồng bào, chiến sĩ bị bắt, bị giết. Cuối cùng chúng đánh bật được lực lượng vũ trang của ta ra ngoài và lập một tiền đồn tại ấp Cây Da để bình định cả vùng. Trước tình hình đó, cách mạng đưa ra chủ trương “Trường kỳ mai phục - Tích trữ lương thực - Chờ đợi thời cơ”.

Năm 1954, thời cơ đến. Nhân dân hai xã anh hùng Tân Phú Trung - Phước Vĩnh An vùng lên san bằng bót Cây Da, tái hiện hình ảnh cuộc khởi nghĩa Nam kỳ anh dũng. Nhưng lần này cuộc khởi nghĩa không bị dìm trong bể máu: cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp quê hương anh hùng.

----------

* Kỳ sau: Kỳ quan trong lòng đất

----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 4: Con sinh ra từ lòng đất- Kỳ 3: 30 nấm mồ tập thể- Kỳ 2: Vịnh Mốc - Cồn Cỏ: hành trình máu!- Kỳ 1: Những ngôi làng bên dưới cuộc chiến

ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên